Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Tây Nguyên 1

Nhận định và đề nghị về những người tù tôn giáo và chính trị người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên.


Năm 2007 tôi đã bị Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xử 4 năm tù và 4 năm quản chế vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Trong thời gian ở trại giam Nam Hà tôi đã ở chung và sinh hoạt với nhiều người Thượng có quê quán ở Tây Nguyên nhưng bị đem giam giữ ở phía Bắc Việt Nam. Tổng cộng chính quyền Việt Nam hiện còn giam giữ khoảng 100 tù nhân tôn giáo và chính trị người dân tộc Tây nguyên. Trong danh sách đính kèm là tên của 81 người Thượng ở trại Nam Hà mà tôi có đầy đủ dữ kiện. Tôi thấy có bổn phận phải lên tiếng cho họ và đòi hỏi cho họ được những nhân quyền căn bản.

Vấn đề đòi quyền sống
Tây nguyên là vùng đất nằm ở khu vực cao nguyên miền trung của Việt Nam, gồm 5 tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông và Lâm Đồng, với diện tích 54.639 km2 và dân số Tây nguyên hiện nay khoảng 5.200.000 người.
Trong khi đó vào năm 1976 dân số Tây nguyên là 1.225.000 người, với 18 dân tộc, gồm có 853.820 người các sắc tộc thiểu số (chiếm 69,7% dân số). Nhưng đến năm 2004, dân số Tây nguyên đã tăng lên đến 4.668.142 người, gồm 46 dân tộc. Trong đó dân tộc thiểu số là 1.181.337 người( chiếm 25,3% dân số). Một phần là gia tăng dân số tự nhiên, còn phần lớn là gia tăng dân số cơ học. Trước năm 1975, người dân tộc như Ê đê, Gia rai, Mnông, Ba na là những dân tộc chiếm đa số tại Tây nguyên, họ làm chủ cả vùng đất Tây nguyên về đất đai, rừng, tài nguyên, văn hoá, đặc biệt về tôn giáo. Cơ đốc giáo chiếm đa số và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá, tín ngưỡng của họ. Sự di dân ồ oạt từ các khu vực khác đến Tây nguyên từ năm 1976 đã khiến cho những người dân tộc Tây nguyên từ đa số thành thiểu số. Đất đai của tổ tiên họ đã khai phá biết bao đời để lại thì một phần bị chính quyền sát nhập vào các nông trường quốc doanh mà không được bồi thường, một phần bị các quan chức chính quyền địa hoặc người của họ cướp đoạt một cách trắng trợn. Người dân tộc Tây nguyên chỉ còn lại một phần đất nhỏ bé của mình. Sự gia tăng dân số quá nhanh dẫn đến nạn tàn phá rừng, huỷ hoại môi trường sống làm ảnh hưởng tiêu cực đến đến đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của người Tây Nguyên.

Truy bức vì lý do tôn giáo và sắc tộc
Chính quyền đặc biệt đối xử bất bình đẳng với những người dân tộc Tây nguyên theo Cơ đốc giáo. Ngay sau khi thống nhất được đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm1975, chính quyền đã xoá bỏ nhà thờ, bắt giam những mục sư, truyền đạo, chấp sự của Hội Thánh, không cho các tín đồ nhóm họp, sinh hoạt tôn giáo. Sự đè nén và ức hiếp của chính quyền về tôn giáo, đất đai bị tước đoạt, môi trường sống của họ bị huỷ hoại trong suốt hơn hai thập kỷ đã buộc những người dân tộc Tây nguyên như Ê đê, Gia rai, Ba na, Mnông theo Cơ đốc giáo ở các tỉnh Đắc lắc,Gia Lai, Đắc Nông, Phú Yên đứng lên thực hiện quyền biểu tình theo điều 69 Hiến pháp Việt Nam để đòi tự do tôn giáo, nhân quyền, đòi chính quyền trả lại đất đai đã chiếm giữ của họ. Cuộc biểu tình vào tháng 2 năm 2001, đã tập trung hàng chục nghìn người, kéo dài trong nhiều ngày. Chính quyền đã huy động cảnh sát và quân đội thẳng tay đàn áp những người biểu tình, rất nhiều người bị thương, bị mất tích, hàng ngàn người bị bắt và thẩm vấn, hàng ngàn người phải chạy trốn vào rừng, chạy sang Căm pu Chia xin tị nạn. Trong số hàng ngàn người bị bắt và thẩm vấn, sau đó có khoảng 500 người bị truy tố và xét xử từ 2 năm đến 18 năm tù về các tội phá hoại chính sách đoàn kết (điều 87 Bộ luật Hình sự), tội phá rối an ninh (điều 89). Còn những người khác bị giam từ 3 đến 9 tháng không xét xử và được phóng thích.

Sau biến cố trên chính quyền không thay đổi chính sách về tôn giáo, họ vẫn gia tăng đàn áp những người Cơ đốc giáo ở Tây nguyên. Chính quyền tiến hành các chiến dịch truyền thông ở trong và ngoài nước vu khống những người Cơ đốc giáo Tây nguyên theo Fulro (một tổ chức vũ trang đòi tự trị của người Tây nguyên trước năm 1975 mà nay đã không còn tồn tại), vu khống cho họ âm ưu ly khai nhằm thành lập nhà nước Đề Ga núp sau các hoạt động tôn giáo của tin lành Đề ga.
Những người chạy trốn vào rừng và những người dân tộc Tây nguyên không cam chịu sự áp bức về tôn giáo và vu khống của chính quyền. Tháng 4 năm 2004, họ tiến hành cuộc biểu tình lần thứ 2. Như lần trước chính quyền thẳng tay đàn áp họ, hàng trăm người bị bắt và bỏ tù, nhiều người chạy trốn sang Căm pu Chia. Sau đó có rất nhiều người bỏ trốn và đã bị bắt trong các năm từ 2005 đến 2008. Họ tiếp tục bị truy tố và xét xử với các tội danh như: Tội phá hoại chính sách đoàn kết(Đ 87); tội phá rối an ninh(Đ 89); tội chống người thi hành công vụ (Đ 257), tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân(Đ 91). Một số người Thượng tị nạn ở Căm pu Chia bị Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) cưỡng bức hồi hương về Việt Nam với hứa hẹn là chính quyền Việt Nam sẽ không trừng phạt họ vào ngày 1 tháng 3 năm 2002. Một thí dụ điển hình về việc này là vợ chồng ông bà Y Thớt và H. Thuy bị kết án tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền (Đ 91). Ông Y Thớt bị bắt năm 2004, bị kết án 10 năm tù và hiện ở buồng 15 phân trại I, trại giam Nam Hà, vợ là H. Thuy bị bắt năm 2005, bị kết án 4 năm tù và đầu năm 2009 đã được đặc xá sau 3 năm 6 tháng.

Giam giữ ở những trại giam xa nhà
Trong các vụ bắt giữ những người Tây nguyên, có rất nhiều người bị tra tấn, dùng nhục hình, ép cung. Tất cả các nạn nhân đều bị đưa ra xử kín, không có thân nhân tham dự, không có luật sư bào chữa. Sau khi xét xử xong, họ đều bị đưa đi các trại giam rất xa gia đình của họ, phần lớn bị đưa ra các tỉnh phía Bắc. Thời điểm đông nhất tại trại Nam Hà - một trại giam cách Tây nguyên hơn 1200 km - có hơn 200 người Tin lành Tây nguyên bị giam giữ. Trại giam Thanh hoá cách Tây nguyên hơn 1000 km có khoảng 100 người. Tất cả những người bị bắt, xét xử và giam giữ đều là người theo Cơ đốc giáo.

Việc giam giữ nạn nhân cách xa gia đình là một việc làm rất vô nhân đạo. Là những người sinh ra và lớn lên với điều kiện thiên nhiên mát mẻ của vùng đất Tây nguyên. Họ đã bị tách ra khỏi môi trường sống quen thuộc và khó thích ứng với một khí hậu khắc nghiệt rất nóng về mùa hè và rất lạnh về mùa đông của miền Bắc Việt Nam. Theo qui định, hàng tháng họ được viết thư về nhà và trại giam có trách nhiệm gửi qua bưu điện về gia đình cho họ. Nhưng nhiều người không viết được tiếng Việt. Nếu nhờ được người viết thư thì thư rất hiếm khi đến được tay gia đình. Hầu hết thân nhân của tù nhân Thượng đều rất khó khăn về kinh tế, có cố gắng lắm thì mỗi năm chỉ ra thăm được một lần vì chi phí rất tốn kém. Có những gia đình 2 hoặc 3 năm mới có điều kiện đến thăm chồng, cha, con một lần. Đồng thời không phải tất cả mọi thành viên đều được phép vào thăm mà chỉ một người đại diện cho cả gia đình gồm bố mẹ, con cái, anh chị em. Việc không được thăm gặp thường xuyên làm cho tình cảm vợ chồng, anh chị em, cha mẹ và con cái bị tổn thương. Trong khi đó những người bị giam giữ đều ở độ tuổi từ 20 đến 50 và có nhiều con còn nhỏ.

Nhiều tù nhân người Thượng ít được thăm nuôi cho nên không có gì để cải thiện thêm cho bữa ăn, trong khi khẩu phần ăn trong trại Nam Hà rất hạn chế và ít bổ dưỡng. Do đó họ phải phục vụ cho các phạm nhân khác để kiếm thêm chút tiền cải thiện bữa ăn. Sức khoẻ của họ yếu kém, thường xuyên ốm đau, có nhiều người đã bị chết trong tù không rõ nguyên nhân. Các tù nhân Thượng rõ ràng đã bị kỳ thị vì lý do sắc tộc, tôn giáo và bị o ép nhiều hơn so với các tù nhân người Kinh. Họ không được cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt, bị cưỡng bức lao động mỗi ngày 8 tiếng và phải làm đủ định mức sản phẩm. Ai chống đối lao động thì bị phạt cùm chân. Dù có thành tích lao động và cải tạo như nhau, và được xếp loại giống nhau, nhưng khi được đưa ra để xét giảm án thì những người Tây nguyên bao giờ cũng chỉ được giảm bằng ½ mức giảm án của các tù chính trị và tù thường phạm người Kinh khác. Có nhiều trường hợp còn không được giảm án mà không có lý do.
Như đã nói ở trên tất cả các tù nhân người Thượng đều theo đạo Cơ đốc. Tuy nhiên việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong trại giam thường gặp nhiều khó khăn. Thí dụ họ không được phép nhận Kinh thánh, Thánh ca, và các sách tôn giáo mặc dù trong nội qui trại giam không cấm.

Thỉnh nguyện:
Những người dân tộc Tây nguyên chỉ thực hiện nhân quyền khi đòi hỏi quyền tự do tôn giáo và quyền sống. Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ, xét xử họ một cách bất công. Việc giam giữ họ xa gia đình là vô nhân đạo. Vậy nên tôi kêu gọi chính phủ các quốc gia dân chủ sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao để yêu cầu chính phủ Việt Nam:
- trả tự do cho họ; và trong thời gian chờ đợi
- chuyển họ về những trại giam gần gia đình và tiện cho việc thăm nuôi;
- chấm dứt chính sách kỳ thị đối xử đối với các tù nhân người Thượng;
- bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và sức khoẻ;
- bảo đảm quyền tự do sinh hoạt tôn giáo trong trại giam;
- cho phép đại diện của các cơ quan ngoại giao đến thăm và làm việc với những tù nhân người Thượng;
- mời Đại diện của Tổ Công tác Giam giữ Độc đoán (Working Group on Arbitrary Detention),  các Báo cáo viên LHQ sau đây đến thăm các tù nhân người Thượng ở trại Nam Hà:
- Special Rapporteur on the situation of human rights and fundamental freedoms of indigenous people,
- Special Rapporteur on freedom of religion or belief,
- Special Rapporteur on the situation of human rights and fundamental freedoms of indigenous people,
- Special Rapporteur on torture and other cruel, inhuman or degrading treatment or punishment

Hà Nội, ngày ……………..
Trân trọng kính chào



Nguyễn Văn Đài (luật sư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét